Luật sư tham gia tố tụng trong vụ việc dân sự

Luật sư tham gia tố tụng trong vụ việc dân sựLuật sư tham gia tố tụng trong vụ việc dân sự sự sẽ góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, giúp cho quá trình tố tụng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật sư có thể tham gia từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong giai đoạn tố tụng dân sự, được tham gia phiên tòa Giám đốc thẩm, Tái thẩm nếu Tòa án thấy cần thiết. Theo đó, vai trò của luật sư trong vụ án dân sự được thể hiện trong 3 giai đoạn của quá trình tố tụng là: giai đoạn trước khi mở phiên toà, giai đoạn mở phiên toà, giai đoạn sau khi kết thúc phiên tòa.

1. Giai đoạn trước khi mở phiên toà.

– Đại diện cho khách hàng giải quyết các công việc mà luật sư đã nhận theo nội dung hợp đồng pháp lý.

– Luật sư hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn chuẩn bị khởi kiện: trao đổi về nội dung tranh chấp, tư vấn cho khách hàng quyết định khởi kiện hay không khởi kiện, các điều kiện khởi kiện…

– Luật sư hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện (trong trường hợp khách hàng là nguyên đơn trong vụ án dân sự.

– Luật sư hỗ trợ khách hàng thu thập và cung cấp chứng cứ cho Toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án.

– Luật sư có quyền tham gia hoà giải theo quy định của BLTTDS đối với những vụ việc bắt buộc phải tiến hành hoà giải. Nếu không tham gia được thì Luật sư có thể gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tới phiên hoà giải.

– Luật sư chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

– Luật sư có quyền thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Giai đoạn diễn ra phiên tòa.

Vai trò của Luật sư trong giai đoạn mở phiên tòa được thể hiện ở trong các thủ tục: Thủ tục bắt đầu phiên toà, thủ tục hỏi tại phiên tòa, thủ tục tranh luận tại phiên tòa.

       a, Thủ tục bắt đầu phiên toà:

Theo quy định của BLTTDS, Luật sư – với tư cách là người bảo vệ quyền và nghĩa vụ của đương sự có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án, nếu vắng mặt lần thứ nhất mà có lí do chính đáng thì Hội đồng xét xử cho hoãn phiên toà, nếu được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án sẽ xét xử bình thường và đương sự phải tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của đương sự vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ Luật sư.

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, Luật sư còn có thể giám sát các thủ tục tố tụng tại phiên tòa để đảm bảo quá trình tố tụng tại phiên tòa được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật

      b, Thủ tục hỏi:

– Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày yêu cầu của nguyên đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.

– Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

– Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, bị đơn, yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

      c, Thủ tục tranh luận:

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan phát biểu ý kiến, trình bày bản luật cứ bào chữa để đưa ra các căn cứ pháp lý, lập luận để bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự. Sau khi nghe luật sư trình bày bản luật cứ bào chữa, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và lợi ích liên quan có quyền bổ sung ý kiến để hoàn thiện bản luận cứ bào chữa của Luật sư.

Khi tranh luận trình bày quan điểm của mình, Luật sư cần nhận định các tình tiết quan trọng của vụ việc, trình bày quá trình đánh giá chứng cứ, khẳng định lại giá trị chứng minh của chứng cứ kết hợp với căn cứ của pháp luật để làm căn cứ pháp lí. Luật sư phải tập trung làm sáng tỏ các tình tiết cần chứng minh trên cơ sở đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự một cách tốt nhất. Nếu thấy đã tranh luận về các vấn đề nhưng vẫn chưa rõ hoặc chưa khẳng định được những tình tiết của vụ việc thì Luật sư có thể đề nghị Hội đồng xét xử quay lại thủ tục hỏi.

Việc luật sư tham gia tranh luận tại phiên tòa có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới kết luận, bản án của Hội đồng xét xử dành cho các đương sự. Đây sẽ là một trong những căn cứ trực tiếp để Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết dành cho các đương sự.

3. Giai đoạn sau khi kết thúc phiên tòa.

Luật sư tư vấn làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và tham gia phiên tòa phúc thẩm để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Ngoài ra, đối với các vụ án trong quá trình xét xử phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc xuất hiện thêm các tình tiết mới, Luật sư còn hỗ trợ khách hàng thực hiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự.

Như vậy, có thể nói, với kiến thức pháp lý vững vàng, với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của  các đương sự, Luật sư có vai trò vô cùng quan trọng, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tố tụng vụ án dân sự.

Những hoạt động tích cực của luật sư trong các giai đoạn của quá trình tố tụng có thể xem như một công cụ hữu hiệu bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức, đảm bảo cho hoạt động tố tụng được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ công lý.


 Dịch vụ luật sư

  & Zalo 091 321 8707

  luatbinhtam@gmail.com

Liên kết hữu ích: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật

Call Now Button